Thử nghiệm cho thấy TV OLED bị lưu logo và ảnh tĩnh (burn-in) sau 4.000 giờ, nhanh hơn so với tuyên bố 30.000 giờ của LG.
Trang đánh giá thiết bị hình ảnh Rtings đã thử các nội dung khác nhau trên sáu chiếc LG OLED C7 (model 2017) kể từ đầu năm nay. Trong số này, năm chiếc được đặt ở độ sáng 200 nit, một chiếc độ sáng tối đa. Các thiết bị được bật trong năm giờ rồi nghỉ một giờ và lặp lại chu kỳ này bốn lần mỗi ngày.
Hiện tượng burn-in xuất hiện sau khoảng 4.000 giờ phát trên một số mẫu TV OLED. |
Sau 4.000 giờ, một số thiết bị đã gặp vấn đề burn-in. Cụ thể, hai chiếc TV OLED phát kênh CNN (gồm chiếc đặt ở độ sáng tối đa) có logo kênh và một thanh tĩnh đã bị lưu hình rõ rệt. Một chiếc khác chơi game FIFA 18 với logo FIFA để lại mờ mờ trên màn hình. Trong khi đó TV phát các kênh tin tức NBC hay nội dung khác không gặp vấn đề.
Trước đó, LG nói rằng TV OLED của hãng có thể phát 30.000 giờ, tương đương 10 năm sử dụng với thời gian xem trung bình 8 tiếng mỗi ngày, mà không bị burn-in. Nhà sản xuất Hàn Quốc đã thêm tính năng "pixel refresher" nhằm di chuyển các ảnh tĩnh để ngăn chặn hiện tượng burn-in song thử nghiệm trên cho thấy nó không hoạt động như mong muốn.
6 chiếc TV OLED được Rtings thử nghiệm từ đầu 2018. |
Bài kiểm tra của Rtings sẽ tiếp tục được thực hiện thêm vài tháng nữa. Thực tế ngay sau bốn tuần kể từ khi bắt đầu thử nghiệm thì những chiếc TV OLED này đã gặp vấn đề không đồng nhất hình ảnh. Các kỹ sư của LG đã tới phòng thí nghiệm của website công nghệ này và xác nhận nguyên nhân xuất phát từ nhà máy và một số tấm nền "dễ bị ảnh hưởng" hơn các mẫu khác.
Bản thân trong thực tế, mẫu TV OLED 2018 của LG đặt tại sân bay Incheon (Hàn Quốc) đã bị lưu ảnh sau chỉ vài tháng sử dụng, theo ZDnet. Một đường kẻ trắng dày xuất hiện ở phần trên sản phẩm và không thay đổi, trong khi các khu vực khác không bị ảnh hưởng. LG sau đó đã thay chiếc TV OLED bằng một sản phẩm khác dùng công nghệ LCD.
Mẫu TV OLED 2018 được LG đặt tại sân bay Incheon bị burn-in nghiêm trọng. |
Burn-in là một trong những điểm yếu của TV OLED, trong khi đó TV QLED của Samsung đã khắc phục được hoàn toàn hạn chế này. Tạp chí PC-Magazin của Đức đã chứng nhận TV QLED hoàn toàn không bị burn-in trong quá trình sử dụng. Samsung cũng bảo hành 10 năm cho vấn đề lưu ảnh với dòng TV cao cấp nhất của mình, khoảng thời gian đủ dài trước khi người dùng nâng cấp sản phẩm mới.
Burn-in chỉ hiện tượng hình ảnh bị lưu lại trên màn hình ngay cả khi đã ngắt điện. Nó xuất hiện như những bóng mờ, "dính" lên màn hình, có trường hợp biến mất theo thời gian nhưng cũng có thể tồn tại vĩnh viễn. Khi bị burn-in, khu vực đó sẽ tạo cảm giác khó chịu cho người xem, màu sắc hay hình ảnh hiển thị giảm đi độ chính xác.