Điện thoại mới của Apple xử lý các bức ảnh với làn da mịn hơn nhưng đây không phải tính năng "làm đẹp" mà hãng chủ động thêm vào.
Nhiều người dùng iPhone Xs và Xs Max phát hiện điện thoại mới có hiệu ứng "làm đẹp" khuôn mặt trong đó một số khiếm khuyết được che đi. Nó tương tự tính năng "mịn da" trên điện thoại của một số nhà sản khác hay bộ lọc màu của ứng dụng Camera 360, B612, Snow hay Snapchat... Tuy nhiên theo Cnet, kết quả "mịn da" mà người dùng nhận được không phải tính năng chính thức của Apple.
Máy ảnh hoạt động khác mắt người
Nếu chụp ảnh có độ tương phản cao, thiết bị sẽ không thể lấy được hết chi tiết ở vùng sáng và vùng tối. Vì thế, các nhà sản xuất thêm vào giải pháp HDR, trong đó, gộp ba bức ảnh thiếu sáng, đủ sáng và thừa sáng làm một ảnh để thu nhận được nhiều chi tiết hơn.
Trên iPhone Xs và Xs Max, Apple bổ sung tính năng Smart HDR trong đó chụp nhiều bức ảnh rồi gộp với nhau để chọn ra những thành phần tốt nhất cho tấm hình. Ngay cả khi tắt tính năng này đi, iPhone mới vẫn thực hiện xử lý kết hợp các bức ảnh với nhau nhưng với số lượng ít hơn.
Thực tế việc hợp nhất nhiều bức ảnh với các mức độ phơi sáng khác nhau được nhiều nhà sản xuất di động áp dụng chứ không riêng Apple. Smartphone Google Pixel hay Samsung Galaxy cũng có thuật toán HDR riêng và nó cũng giải thích tại sao tính năng HDR của chiếc điện thoại này lại cho kết quả hơn, kém máy khác.
HDR liên quan gì đến "làm mịn"?
Để cho ra ảnh HDR, thiết bị cần có ít nhất ba bức hình chụp gần như cùng lúc. Trừ khi người dùng giữ điện thoại thật chắc trên tay hay yêu cầu chủ thể không chuyển động, còn lại ba ảnh sẽ có những sai khác. Cách giải quyết vấn đề này là camera sẽ chụp các ảnh ở tốc độ cực nhanh.
Nhưng khi chụp nhanh thì máy sẽ phải đẩy ISO (độ nhạy sáng) lên cao, đặc biệt trong tình huống thiếu sáng. Lúc này ảnh cho ra lại bị noise (nhiễu ảnh). Giải pháp lúc này là dùng các thuật toán để "bù đắp" chi tiết nhưng ảnh sẽ được làm mị hơn.
Áp dụng vào với iPhone Xs, khi người dùng selfie trong điều kiện đủ sáng, hiệu ứng "mịn da" hầu như không xuất hiện, do thiết bị không phải khử nhiễu. Còn với điều kiện ánh sáng yếu, tính năng "làm đẹp" rõ hơn do ảnh phải xử lý nhiều.
Giải pháp cho iPhone Xs mới
Từ iOS 10, iPhone đã cho phép lấy ảnh thô chụp bằng camera phía sau. Đó là hình ghi trực tiếp từ cảm biến mà không qua xử lý, không có hiệu ứng HDR, không giảm nhiễu. Tuy nhiên, các chuyên gia phát hiện rằng ảnh thô từ iPhone Xs có nhiễu mạnh hơn, các phần mềm xử lý ảnh hiện nay chưa tối ưu được.
Ảnh chụp từ iPhone Xs (trái) và iPhone X. |
Ngay cả khi tắt Smart HDR, các bức ảnh từ điện thoại mới của Apple vẫn được xử lý nhất định, khác với các mẫu iPhone trước đây. Vì thế, người dùng có thể phải chờ đợi bản cập nhật từ Apple trong đó thay đổi thuật toán hoặc cho phép người dùng điều chỉnh các mức độ của HDR.
Tại Việt Nam, người dùng cũng thảo luận về camera trên iPhone Xs, Xs Max và thấy rằng các bức ảnh selfie như được "làm đẹp da". Một số nói thích tính năng này bởi hình trông "ảo" nhưng không quá đà. Trong khi đó có người lại chê vì nó không có tùy chọn bật, tắt, làm mất đi vẻ tự nhiên vốn có của iPhone.