Độ phân giải siêu cao, có thể thu phóng tốt và hiệu ứng bokeh tùy chỉnh là những điều đang được mong đợi trên một chiếc smartphone đa ống kính.
Gần đây, hình ảnh về một chiếc điện thoại Nokia với 5 ống kính đã bị rò rỉ, khiến nhiều người đam mê công nghệ cảm thấy thú vị và độc đáo. Tuy nhiên, Nokia không phải là công ty đầu tiên muốn "nhồi nhét" nhiều ống kính và cảm biến hình ảnh vào trong một chiếc smartphone. Năm 2015, hãng Light đã ra mắt mẫu smartphone thử nghiệm mang tên Light L16 với 16 ống kính gắn kèm.
Còn mới đây, Huawei P20 Pro cũng gây bất ngờ với thiết kế ba camera sau, mang lại chất lượng ảnh chụp ấn tượng. Điều này cho thấy việc tồn tại một chiếc smartphone với 5 camera không phải là điều quá vô lý hay xa vời thực tế. Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh việc liệu nhiều ống kính có thể trở thành xu hướng mới trong chụp ảnh trên thiết bị di động hay không.
Có thể làm gì với camera nhiều ống kính
Hình ảnh rò rỉ về smartphone đa ống kính của Nokia. |
Khó khăn đầu tiên của việc có nhiều ống kính là sự đa dạng đi kèm của một loạt các cảm biến máy ảnh. Một câu hỏi đặt ra là tại sao lại phải giải quyết vấn đề về góc rộng, tele, độ sâu hoặc đơn sắc trong khi tất cả có thể xử lý dễ dàng cùng một lúc với camera đơn.
Chưa kể tới vấn đề thiết kế thì khi có nhiều ống kính, phần mềm sẽ phải tự động chuyển đổi giữa tất cả các chế độ khác nhau hoặc trình bày một loạt các tùy chọn phức tạp cho người dùng. Mỗi camera chủ yếu sẽ hoạt động độc lập và người dùng sẽ khó có thể học được cách sử dụng hết các chế độ này. Hơn nữa, việc sản xuất cũng trở nên tốn kém hơn rất nhiều bởi ống kính không hề rẻ. Không phải người dùng nào cũng sẵn sàng chi trả thêm nhiều tiền cho các tính năng như vậy.
Tuy nhiên, Huawei P20 Pro đã mở ra một cái nhìn mới về cách nhiều máy ảnh làm việc cùng nhau, thông qua công nghệ Monochrome và Hybrid Zoom. Trước đây, các phần mềm xử lý hình ảnh bằng việc kết hợp dữ liệu từ hệ màu RGB tiêu chuẩn và cảm biến đen trắng nhạy sáng. Tuy nhiên, phần mềm Hybrid Zoom kết hợp dữ liệu từ nhiều máy ảnh để tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao hơn, thu phóng đạt chất lượng tốt hơn. Cụ thể, ống kính tele 8MP của P20 Pro tạo ra hình ảnh 10MP ở cả mức zoom 3x và 5x.
Chụp ảnh có độ phân giải cao và linh hoạt
Smartphone Light 16 với 16 ống kính máy ảnh. |
Ban đầu, Light L16 hoạt động tương tự P20 Pro, kết hợp các gương viễn vọng để đưa module camera vừa khít dạng mỏng. Máy ảnh lấy dữ liệu từ nhiều module 28mm, 70mm và 150mm, tùy thuộc vào mức thu phóng. Kết quả cuối cùng là một bức ảnh 52MP được hình thành từ 10 góc độ hơi khác nhau, có thể kết hợp với zoom quang 5x. Thông tin từ nhà sản xuất Light cho biết mẫu smartphone thử nghiệm tiếp theo được thiết kế cho điện thoại hoạt động với từ 5 đến 9 ống kính. Kết quả tạo ra là khả năng chụp được bức ảnh lên tới 64MP.
Ý tưởng về phương thức đa hình ảnh này cũng mang lại nhiều lợi ích khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu hay HDR, thông qua việc sử dụng nhiều khẩu độ. Độ sâu trường ảnh với chất lượng cao cũng có thể đạt được thông qua cả việc mô phỏng từ phần mềm và sử dụng nhiều dải tiêu cự. Kết quả đạt được từ Light L16 là ấn tượng và ý tưởng này hứa hẹn sẽ được tiếp tục phát triển. Nhà sản xuất đã tuyên bố một chiếc smartphone đa ống kính sẽ được giới thiệu vào cuối năm nay.
Trong khi đó với Nokia, từ năm 2013, ở vấn đề nghiên cứu máy ảnh đa ống kính công ty cũng đã đạt được nhiều thành quả. Điều này có được một phần thông qua một khoản đầu tư vào Pelican Imaging, công ty có ý tưởng tương tự Light. Tuy nhiên, cảm biến hình ảnh của công ty này có thiết kế nhỏ hơn, với các tính năng tương tự như lấy nét sau khi chụp, hình ảnh có độ sâu và khả năng chụp ảnh với độ phân giải siêu cao. Tuy sau đó Pelican Imaging đã bị Tessera mua lại vào năm 2016, nhiều người cho rằng ý tưởng này có thể đã được Nokia giữ lại.
Còn Zeiss, đối tác về máy ảnh hiện tại của Nokia, cũng có bằng sáng chế cho thiết kế zoom có thể chuyển đổi. Tuy nhiên, các thông tin về thiết kế đa ống kính chưa được nhắc tới nhiều. Ngược lại, có một thông tin thú vị khác là một đối tác của Nokia, FIH Mobile, là công ty con thuộc sở hữu của Foxconn, cũng đã đầu tư vào Light năm 2015. Vì vậy Foxconn có thể được cấp phép để sử dụng công nghệ camera đa ống kính của Light.
Một số người cũng cho rằng có sự giống nhau tương đối giữa hình ảnh rò rỉ mới đây của điện thoại Nokia và hình ảnh mô phỏng smartphone của Light. Điều này có thể không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi giữa hai công ty có một sự liên kết là Foxconn. Rất có thể, Nokia sẽ là công ty đầu tiên sử dụng công nghệ của Light vào cuối năm nay.
Máy ảnh đa ống kính có phải là xu hướng tương lai?
Concept về phiên bản smartphone đa ống kính tiếp theo của Light. |
Công nghệ chụp ảnh siêu phân giải không phải là một khái niệm mới. Năm 2014, Oppo Find 7 đã sử dụng một ý tưởng tương tự và Hybrid Zoom mới đây của Huawei cũng là công nghệ được cập nhật để hoạt động với nhiều ống kính cùng lúc. Trong quá khứ, vấn đề cần xử lý là yêu cầu về sản xuất, chất lượng thuật toán và khả năng tiêu thụ năng lượng. Nhưng với các dòng smartphone hiện đại, có bộ xử lý mạnh mẽ, khả năng kiểm soát năng lượng tốt và thậm chí được hỗ trợ bởi AI, các vấn đề trên dường như không còn quá khó khăn.
Bên cạnh đó, khả năng chụp ảnh với mật độ chi tiết cao, khả năng thu phóng quang học và hiệu ứng bokeh tùy chỉnh sẽ dẫn đầu danh sách các yêu cầu về camera trên điện thoại thông minh hiện đại. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải thay đổi và chạy đua với nhau. Thay vì sử dụng một máy ảnh chuyên dụng cho từng tính năng, việc kết hợp nhiều ống kính để mang lại hiệu quả và độ linh hoạt cao hơn có khả năng là tương lai của công nghệ nhiếp ảnh trên thiết bị di động.
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều câu hỏi cần giải đáp về kỹ thuật, như liên quan tới khẩu độ và dải tiêu cự. Giá thành cũng là một vấn đề khác cần đặc biệt quan tâm. Người dùng có thể chờ đợi thế hệ thứ hai của Light L16, hoặc chiếc smartphone kế tiếp của Nokia để có được sự giải đáp.
(theo AndroidAuthority)