Công ty công nghệ Mỹ không bận tâm về việc người dùng không nâng cấp iPhone mới mà hướng tới các mục tiêu lâu dài hơn.
Tại lễ ra mắt iPhone mới diễn ra 13/9, Lisa Jackson, Phó chủ tịch Apple phụ trách các sáng kiến về môi trường, đã có bài phát biểu được đánh giá cao. Trong sự kiện, bà Jackson - người từng làm cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) - cho biết mục tiêu của Apple là giảm việc khai thác vật liệu từ Trái Đất.
Để hiện thực điều đó, công ty công nghệ Mỹ đề ra ba việc cần làm, đó là tìm nguồn nguyên liệu tái chế hoặc tái tạo tất cả các sản phẩm; đảm bảo các thiết bị của Apple có thể dùng càng lâu càng tốt và sau một thời gian dài sử dụng thì chúng sẽ được tái chế đúng cách.
Lisa Jackson, phó chủ tịch Apple phụ trách các sáng kiến về môi trường. Ảnh: Cnet. |
Để nhấn mạnh điểm thứ hai, Lisa Jackson cho biết Apple đang phấn đấu thiết kế và xây dựng các sản phẩm bền, dùng càng lâu càng tốt. Điều này có nghĩa là cả phần cứng và phần mềm của thiết bị đều phải song hành. Nó được minh chứng bằng việc iOS 12 mà công ty phát hành sáng nay chạy tốt trên cả iPhone 5s, mẫu điện thoại đã năm năm tuổi.
Khi iPhone có "tuổi đời" dài hơn, bạn có thể tiếp tục sử dụng nó hoặc chuyển cho người tiếp theo, sau khi nâng cấp chiếc máy mới. Bà nói rằng "giữ iPhone hoạt động" là điều tốt nhất cho hành tinh của chúng ta.
Nhưng Apple là công ty bán thiết bị nên tình hình kinh doanh sẽ phụ thuộc vào tần suất nâng cấp của người dùng. Rõ ràng, nếu sản phẩm của hãng không được người dùng "lên đời" thường xuyên, công ty sẽ không thể tạo ra doanh thu, giảm mức tăng trưởng. Vậy tại sao Apple lại muốn làm điều này? Điều gì khiến công ty tập trung vào độ bền sản phẩm trong mô hình kinh doanh của mình ngoài những lợi ích cho môi trường?
Theo BGR, cho dù người dùng có giữ thiết bị trong một vài năm tới hay không, hoặc họ chuyển cho thành viên trong gia đình hay bán nó, Apple vẫn thắng lớn và đây là khía cạnh mà các đối thủ khó lòng cạnh tranh. Đó là vì máy ở trong tay ai thì Apple cũng thu được tiền thông qua việc kinh doanh các kho nội dung trực tuyến.
Giá bán các mẫu iPhone của Apple. Ảnh: NYP. |
Càng có nhiều người tiếp xúc với iPhone, Apple sẽ dàng kiếm được nhiều tiền. Và nếu một thiết bị qua tay nhiều người, hãng có thể "kết dính" nhiều người với iOS, App Store và phần cứng của họ mà không cần lo lắng về thị phần điện thoại thông minh hay giảm giá iPhone để giành khách hàng.
Người mua cũng được hưởng từ chính sách này của Apple, ngay cả khi công ty không ngừng tăng giá bán iPhone. Một chiếc iPhone giá 1.200 USD thực chất có thể rẻ hơn một chiếc iPhone giá 600 USD, nếu phiên bản đắt tiền kéo dài thời gian sử dụng gấp đôi. Chiếc điện thoại 1.200 USD gia tăng tiện ích gấp bốn lần trong khi giá chỉ gấp đôi, có nghĩa là giá thành của nó chỉ bằng một nửa. Bằng cách tạo ra nhiều sản phẩm bền hơn, cả về phần cứng và phần mềm, tiêu chuẩn về sự hài lòng của khách hàng được duy trì.
Apple công bố đã bán được hai tỷ thiết bị iOS, trong đó có tới 1,3 tỷ máy vẫn đang được sử dụng. Công ty bán được hơn 200 triệu chiếc iPhone mỗi năm. Điều này có nghĩa hằng năm vẫn có nhiều người nâng cấp thiết bị dù Apple không chủ động thuyết phục họ làm điều đó.